Điểm danh các triệu chứng khi đến thời kỳ KINH NGUYỆT

07.06.2018 - 11:38

Hãy cùng điểm danh các triệu chứng trước và trong thời kỳ kinh nguyệt. Áp dụng chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để cơ thể của bạn luôn thoải mái và tự tin trong những ngày hành kinh.

Khác với con trai, con gái luôn phải “chịu đựng” những vấn đề rắc rối cứ mỗi tháng một lần. Theo chu kỳ mỗi tháng, cơ thể của con gái sẽ rụng trứng và xuất hiện kinh nguyệt Hầu hết con gái sẽ có triệu chứng chảy máu nhẹ trong vài ngày đầu tiên khi đến kỳ kinh nguyệt.

Theo Yourperiod.ca, có hơn một trăm triệu chứng được phát hiện trong thời kỳ kinh nguyệt và chúng có thể thay đổi từ triệu chứng này sang triệu chứng khác, từ chu kỳ này đến chu kỳ khác.

Hãy cùng tìm hiểu xem, bạn đã gặp phải triệu chứng gì khi ngày “đèn đỏ” ghé thăm nhé.

A – Triệu chứng thể chất

Đau bụng

Tình trạng này xuất hiện khá nhiều và được xem là hiện tượng phổ biến nhất khi các bạn nữ gặp ngày “đèn đỏ”. Tuỳ theo cơ địa mỗi người mà hiện tượng đau bụng kinh sẽ xuất hiện ở đầu hay giữa chu kỳ. Đây là hiện tượng bụng dưới đau âm ỉ và có thể kéo dài 1-2 ngày. Một số người gặp phải hiện tượng đau bụng kinh còn kéo theo các triệu chứng khác như buồn nôn, tiêu chảy,... Các bác sĩ cho biết nguyên nhân là do nồng độ prostagladin trong máu tăng cao khiến tử cung co thắt chặt và các mao mạch bị thiếu oxy nên nội mạc tử cung bị bong tróc ra nhiều.

Xuất hiện nhiều mụn trứng cá

Vào thời gian kinh nguyệt “gõ cửa” thì tuyến bã nhờn trên da mặt hoạt động mạnh kết hợp với nhiều vi khuẩn nên dễ gây ra nhiều mụn. Nguyên nhân song song đó là cơ thể mất cân bằng nội tiết làm ảnh hưởng đến các hormone tuyến giáp thực hiện nhiệm vụ trao đổi chất. Khi hormone trong cơ thể mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, da không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ hình thành mụn. Hiện tượng mụn sẽ giảm dần sau khi bạn “tạm biệt ngày đèn đỏ” từ 5-7 ngày.

Đau lưng

Nhức mỏi và đau lưng khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hằng ngày. Nguyên nhân đau lưng khi hành kinh là do những thay đổi nội tiết tố Prostaglandin (hormone thúc đẩy tử cung để đổ nội mạc tử cung) hoặc do dư thừa prostaglandin gây co thắt nặng ảnh hưởng đến lưng. Tình trạng đau nhẹ âm ỉ hay dữ dội tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người.

Đau ngực

Tình trạng bầu vú cảm thấy căng, nặng nề, to hơn bình thường một ít và có dấu hiệu hơi nhức cũng là một trong những triệu chứng khi “đèn đỏ”. Nguyên nhân chính là do cơ thể tăng tiết tố estrogen (hormone nữ) dẫn đến cứng các mô ở ngực và làm ngực cương lên. Trong những ngày này bạn nên mặc áo ngực thoải mái một chút để cải thiện triệu chứng trên.

Chuột  rút

Tình trạng chuột rút thường bắt đầu từ vùng bụng dưới và gây đau lan tỏa ra thắt lưng, đùi và bắp chân. Hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân đơn giản là do máu chảy qua tử cung nhiều hơn bình thường. Chuột rút thường ít xuất hiện và nếu có thì sẽ hết khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn kết thúc.

Mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc

Tuỳ theo từng người mà tình trạng này có thể xảy ra trước trong chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân chính có thể do bạn đang thiếu chất tryptophan. Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều tryptophan như thịt bò, thịt gà tây,… có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách nhanh chóng hơn.

B – Triệu chứng tinh thần

Theo thống kê của Tiến sĩ Teri Pearlstein, Đại học Y Alpert, Mỹ cho biết có khoảng 20-30% phụ nữ sẽ có những biến đổi về mặt tinh thần trong thời gian có kinh.

Những thay đổi liên quan đến hormone chẳng hạn như serotonin và axit gamma-aminobutyric (GABA), được cho là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến các triệu chứng này. Các triệu chứng về cảm xúc và tinh thần có thể xảy ra với bạn trong chu kỳ kinh nguyệt như:

  • Nóng tính, cáu ghét hơn bình thường
  • Giảm khả năng tập trung
  • Giảm giao tiếp với mọi người xung quanh
  • Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ
  • Buồn và dễ khóc khi xem một bộ phim cảm động

Lời khuyên:

Một lối sống lành mạnh có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong cách cơ thể của bạn phản ứng với thời kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng trên sẽ được cải thiện nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và cắt giảm caffeine, rượu và thức ăn chứa nhiều muối. Để có những ngày trong chu kỳ kinh nguyệt thoải mái hơn, bạn có thể xem qua 12 điều không nên làm trong ngày kinh nguyệt, giúp bạn hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho cơ thể.

Chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, hải sản, đậu và các loại hạt.. Nhiều bạn cảm thấy thèm ăn “ngọt” trước thời kỳ kinh nguyệt. Hãy tránh những cảm giác thèm ăn này bằng cách thường xuyên ăn những bữa ăn có chỉ số đường huyết thấp và tránh thức ăn “ngọt”.

Là con gái, bạn nên chú ý đến sức khoẻ của mình nhiều hơn, đặc biệt trong những lúc hành kinh. Với những liệt kê trên, hi vọng bạn gái sẽ có thêm kiến thức cho mình về những triệu chứng khi “đèn đỏ” để biết cách khắc phục nhé.

Bài viết liên quan

>>> 8 cách cắt cơn đau bụng kinh trong thời kỳ KINH NGUYỆT
>>> 12 điều không nên làm trong thời kỳ KINH NGUYỆT


Tham gia group kín thảo luận về cốc nguyệt san lớn nhất tại Việt Nam => Bấm vào ĐÂY
Top